TRẺ CẦN RỬA TAY ĐÚNG CÁCH PHÒNG BỆNH DỊCH COVID - 19
Vì sao cần rửa tay để phòng bệnh?
Virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (chủng mới của virus Corona) lây lan khi dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp chứa virus xâm nhập vào cơ thể chúng ta từ mắt, mũi, họng qua giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc thông qua bàn tay chạm vào những vật dụng trung gian chứa virus rồi đưa lên mặt. Vì vậy, “Bàn tay không an toàn” cũng chính là “công cụ” phổ biến nhất khiến virus lây lan từ người này sang người khác. Do đó, chặn đứng con đường virus xâm nhập vào cơ thể bằng việc rửa tay thường xuyên và sạch sẽ là hết sức quan trọng.
Mỗi ngày chúng ta đều phải tiếp xúc, với những đồ vật có nguy cơ chứa các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm…) mà không hề hay biết như tay nắm cửa, nút điều khiển thang máy, công tắc đèn hoặc bắt tay người khác… Bàn tay thường cũng là nơi trực tiếp tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể. Virus gây bệnh có thể theo dịch tiết lan rộng ngoài cộng đồng khi chúng ta vô tình đưa tay lên mắt, mũi, miệng hay chạm vào người hoặc vật khác.
Để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19, chúng ta cần rửa tay vào những thời điểm sau:
Sau khi trở về từ nơi công cộng: Những nơi công cộng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiếp xúc với nhiều người, cầm nắm vào nhiều vật dụng chung.
Trước và sau khi ăn uống: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hay miệng, vì vậy cần rửa tay đúng cách trước khi ăn để tránh virus đi trực tiếp vào cơ thể và sau khi ăn để giữ đôi tay luôn sạch sẽ .
Sau khi đi vệ sinh: Nhà vệ sinh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh . Vì vậy, rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, trước khi chuẩn bị thức ăn, điều trị vết thương, chạm vào người bệnh và sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, chạm vào động vật và vật nuôi, thay tã lót cho em bé hoặc giúp trẻ đi vệ sinh, xử lý rác thải… cũng cần rửa tay đúng cách để kịp thời loại bỏ virus, vi khuẩn. Cần phải rửa tay đúng cách theo các bước sau:
Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay dưới vòi nước. Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay và các kẽ ngón, móng tay trong vòng ít nhất 20 giây.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Tráng sạch tay dưới vòi nước. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn sử dụng một lần
Theo: Sức khỏe và đời sống
CÁCH ĂN UỐNG, VỆ SINH PHÒNG BỆNH DỊCH CHO TRẺ
Nâng cao sức đề kháng chính là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất, đặc biệt là trong mùa dịch, thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý:
1. Giữ an toàn vệ sinh thực phẩm
- Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm và khi chế biến thực phẩm; không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh.
- Rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc với thực phẩm sống. Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống, chín; Đảm bảo ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
2. Đảm bảo dinh dưỡng để tăng sức đề kháng
- Cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể vì đây là nguyên liệu quan trọng tạo ra kháng thể.
- Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết (vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm selen) để tăng đề kháng cho cơ thể.
- Vitamin A và Beta caroten: giúp duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa. Có thể tăng cường vitamin này qua lòng đỏ trứng, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, đu đủ và các loại quả có màu vàng, đỏ.
- Vitamin C: giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sản xuất interferon, chống vi rút xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, bông cải trắng, củ cải, ớt chuông…
- Vitamin E: làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Có thể bổ sung vitamin E qua dầu thực vật như: dầu đậu nành, hướng dương, ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.
- Vitamin D: có tác động đến chức năng của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Vitamin D có thể được tổng hợp qua da nên mỗi ngày cần tiếp xúc ánh sáng mặt trời từ 15 - 30 phút; bổ sung các thực phẩm: lòng đỏ trứng, sữa.
- Selen: là loại khoáng vi lượng có tác dụng chống ô xy hóa mạnh, tăng khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể, có trong gạo lứt, lúa mạch, rong biển…
- Sắt và kẽm: giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ miễn dịch. Hạt bí đỏ, hạt điều, rau muống… chứa các nguyên tố vi lượng này.
Ngoài ra, tăng cường tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… rau thơm các loại, bông cải xanh, cải xanh, táo, trà xanh…Cũng có thể bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng hoặc các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sắt, kẽm, vitamin A, D, E…
3. Uống nước đúng cách để phòng Covid- 19
- Hàng ngày, cơ thể chúng ta cần khoảng 2 - 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Nhu cầu nước phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực của mỗi người.
- Không để miệng và cổ họng khô. Nên uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật